common.loading

Văn bia chùa Ba La Mật

Chùa Ba La Mật nguyên ở xã Nam Phố, huyện Phú Vang, sau đổi xã Phú Thượng, cũng huyện Phú Vang, nay thuộc phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, bên phải đường từ Huế về Thuận An, cách Đập Đá khoảng 2km. Người khởi dựng năm Đồng Khánh nguyên niên (1886) là bà Công Tôn Nữ Thị Tư (1839-1899), hiệu Thanh Trất Từ Thiện phu nhân, tạo nơi tu hành cho chồng, ông Bố chánh Nguyễn Khoa Luận (1834-1900) hiệu Đàm Trai, bán thế xuất gia, pháp danh Thanh Chân, pháp hiệu Viên Giác đại sư.

Chánh điện chùa Ba La Mật

Viên Giác đại sư thế danh Nguyễn Khoa Luận, thuộc đời thứ chín họ Nguyễn Khoa, một họ có truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở xứ Huế, cháu nội của Nguyễn Khoa Minh(1) con thứ hai của Nguyễn Khoa Học(2), mẹ là Đinh Thị Lương (người Quảng Nam, con gái ông Thủ hợp Đinh Ngọc Tân), sinh ngày 7 tháng Bảy năm Giáp Ngọ, Minh Mạng 15 (6/8/1834). Năm 1861, với chân giám sinh Quốc Tử Giám, ông đỗ cử nhân khoa Tân Dậu, Tự Đức 14, lần lượt được bổ Kiểm thảo ở Bộ Lại, thăng Biên tu, lãnh Lại Bộ chủ sự (1865), Tri phủ Thọ Xuân - Hà Nội (1867), về Lang trung Bộ Binh (1873), rồi Án sát Quảng Bình. Bấy giờ, Pháp đã chiếm Nam Kỳ, lại đánh ra Bắc Kỳ, ông đau lòng, dâng sớ đề nghị cử người đi ngoại quốc học pháo binh, mua súng tốt và cải cách quân đội để khôi phục và gìn giữ cơ đồ, nhưng triều đình không nghe, lại bị nhóm chủ hòa châm biếm, chê bai, vu khống. Ông rất buồn. Năm 1882, ông làm Bố chánh Quảng Ngãi, bắt đầu đi lại với sư chùa Thiên Ấn và tìm hiểu Phật pháp, rồi đổi ra Bố chánh Thanh Hóa (1884). Triều đình Huế thất bại, phải chịu để Pháp đô hộ. Khi nghe tin vua Hàm Nghi ra chiến khu Hà Tĩnh và ban chiếu (hay hịch) Cần Vương, ông hưởng ứng, chuẩn bị thành trì, súng đạn, nhưng việc thất bại, ông xin treo ấn từ quan. Pháp nghi ngờ theo dõi, ông bực mình đi đường núi vào dần đến Quảng Ngãi, lại ra Huế, ẩn tích trong các chùa, rồi cắt tóc quy y với hòa thượng Hải Thiệu chùa Từ Hiếu. Phu nhân là Thanh Trất Từ Thiện(3) thấy ông lênh đênh nay chùa này mai chùa nọ, bèn bỏ tiền riêng và quyên góp bà con, dựng ngôi chùa Ba La Mật để sư tu hành. Năm 1891, sư thọ Tỳ Kheo giới tại đại giới đàn Báo Quốc do hòa thượng Hải Thiệu làm Đường đầu, qua năm 1894 thì thọ Bồ Tát giới, pháp húy Thanh Chân, pháp danh Viên Giác. Năm Canh Tý (1900), đại sư lâm bệnh, yếu dần, truyền y bát cho đệ tử Viên Thành (xem văn bia chùa Tra Am), rồi thị tịch ngày 27 tháng Sáu năm Canh Tý, Thành Thái 12 (23/7/1900). Đại sư thuộc đời 41 dòng Lâm Tế chính tông. Trong số con của sư, Nguyễn Khoa Tân (1870-1938) đỗ cử nhân năm 1894, làm quan đến Thượng thư Bộ Hộ, Hiệp tá Đại học sĩ sung Cơ Mật Viện đại thần, góp nhiều công lao vào việc sáng lập Hội Phật học Trung Kỳ.

Tháp mộ sư dưới chân núi Ngũ Phong, trong nghĩa địa họ Nguyễn Khoa, gọi là khu Nội Tán, thuộc ấp Tứ Tây, làng An Cựu, nay thuộc phường An Tây, thành phố Huế, cách chùa Tra Am khoảng 100m, có bia đá do sư Viên Thành và các con của Viên Giác đại sư đứng lập.

Năm 1900, sư Viên Thành kế thế trú trì chùa Ba La Mật. Sư nguyên là công tôn Hoài Trấp (1879-1928), em con chú của bà Thanh Trất, thuộc phòng Định Viễn quận vương. Là một nhà thơ, Viên Thành đã biến Ba La Mật thành một chùa thơ từ ngoài đến trong, cho nên Phạm Quỳnh mới có cảm giác sau khi đến thăm Thượng Nhân năm 1918 khi ngài “niên tuần đã ngót khoảng bốn mươi”: “Bước chân vào Tịnh xá, tưởng là nơi văn phòng của nhà thi nhân tao khách nào. Không phải đồ bày biện đẹp, không phải là cách trang sức khéo, nhưng bởi cái khí vị riêng của nó phảng phất ở trong cái phòng ấy”.(4) Đến năm 1923, sư Viên Thành lên lập riêng chùa Tra Am(5), giao chùa Ba La Mật lại cho dòng họ Nguyễn Khoa quản lý và trùng tu lần đầu năm 1924, lần thứ hai năm 1927 (có bia), lần thứ ba năm 1943 (do đại đức Trí Thủ, trú trì khoảng 1940-1970), năm 1992 xây thêm thành phía trước và nhà thờ phía sau (thờ Trí Thủ). Chùa Ba La Mật đã “hoán nhiên nhất tân”, xem ra vẻ nguy nga tráng lệ hơn xưa. Những danh sĩ đương thời như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Đạm Phương nữ sử Nguyễn Phúc Đồng Canh, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Nguyễn Cao Tiêu, Nguyễn Khoa Tân... thường đến đây đàm đạo với sư Viên Thành, để lại nhiều văn thơ, riêng sư có tập 略約叢抄 Lược ước tùng sao.

Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.500m2, có la thành bao quanh. Từ cổng chính vào nửa sân, qua hai trụ thấp đỉnh đắp hình hoa sen đến bức bình phong, rồi thiêu hương lô (lò đốt hương); một số cây cổ thụ như mai, tùng... làm cho cảnh quan thêm xinh xắn, thanh tịnh. Bên trái là lối đi vào nhà thờ họ Nguyễn Khoa với hai trụ cổng, biển đề “Nguyễn Khoa từ đường”, cách biệt bằng dãy thành thẳng; nhà thờ này và lăng mộ Nguyễn Khoa Chiêm ở Ngự Bình đã được cấp bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia. Các kiến trúc chùa nằm trên nền cao bốn bậc tầng cấp, bố trí theo hình chữ “khẩu” tiêu biểu: một nhà chùa vừa phải, có tiền đường, chính điện, hậu tẩm, một tăng xá bên hữu, một khách xá và trù phòng (nhà bếp, nhà ăn) bên tả. Tiền đường đúc xi măng cốt sắt; lầu chuông và lầu trống hai bên áp sát vào vách trước tiền đường. Chùa chính là kiểu nhà cổ một gian hai chái, chỉ có bốn cột, liên ba chạm trổ, trên treo bức hoành đề “巴羅密寺 Ba La Mật tự” thời Duy Tân. Bàn thờ kết cấu ba tầng, tôn trí kinh sách, chuông mõ, tượng Phật đản sinh trong khung kính, tượng Phật tọa thiền cao 3m trên bệ, tháp đồng xá lợi; khám thờ Phật tam thế ngồi trên đế cổ bồng; ngoài ra còn có Hộ Pháp, Bát Bộ Kim Cương. Bàn thờ Địa Tạng cỡi Thanh sư bên hữu, bàn thờ Quan Âm bên tả. Hậu điện bố trí ba án thờ: chính giữa trên cao có bức bình phong, rồi đến ba long vị, cuối cùng là chân dung Viên Giác đại sư. Nhà sau thờ hòa thượng Trí Thủ; nhà bên tả làm văn phòng Ban đại diện Phật giáo huyện Phú Vang. Giấy tờ lưu trữ gồm trích lục địa bạ, di vật có tấm bia khắc bài văn thuật tiểu sử Viên Giác đại sư do các con soạn năm 1943, kèm liệt kê ruộng đất hương hỏa lưu truyền của chùa, hai lư hương cổ, một chiếc khánh đá và liễn đối đề niên hiệu Bảo Đại.

Chùa Ba La Mật liên quan đến một thế gia lệnh tộc xứ Huế với nhiều nhân vật lịch sử - văn hóa, tuy ra đời muộn, nhưng vẫn chứa đựng một giá trị nhất định; hai nhà sư Viên Giác, Viên Thành đều rất được tăng giới cả nước ngưỡng mộ, nhất là Viên Thành, một nhà sư nổi tiếng thơ văn. Trí Hiển, Trí Thủ cũng là những danh tăng trong thế kỷ XX.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài văn bia:

Dịch nghĩa:

Bia chùa Ba La Mật(6)

(Lược trích một đoạn ghi hành trạng của thân phụ, do Vũ Đĩnh công soạn, chép thêm ở phần phụ lục).(7)

Tiên công sinh vào năm Giáp Ngọ, Minh Mạng thứ 15 (1834), đỗ cử nhân khoa Tân Dậu niên hiệu Tự Đức [thứ 14 (1861)];(8) mùa đông năm thứ 36 (1883),(9) nhận chức Bố chánh sứ tỉnh Thanh Hóa; mùa xuân năm Hàm Nghi (1885), nhân đi thăm thú trong hạt, trọ tại chùa Đại Bi ở Mật Sơn, đêm nằm mơ thấy thần chỉ cho hai chữ “vô sinh”, khi về viết lại bên phải chỗ ngồi, tỏ rằng giữ cái tư tưởng ấy đến cùng.(10) Xe vua chạy ra cõi ngoài.(11) Sau khi việc hòa nghị xong,(12) [Tiên công] bỏ chức quan vào ở chùa Đại Bi hơn một tháng rồi trở về quê. Một hôm, ngài lên thăm hòa thượng Hải Thiệu chùa Từ Hiếu, được hòa thượng giảng giải ý nghĩa quan yếu hai chữ “vô sinh” của đức Phật.(13) Nghe nói xong, ngài bỗng nhiên hiểu ra, lập tức xin xuống tóc thụ giới ngay tại chỗ, pháp húy Thanh Chân, hiệu Viên Giác. Mùa thu năm Bính Tuất niên hiệu Đồng Khánh (1886), phu nhân húy Thanh Trất, hiệu Từ Thiện chiều ý ngài, xây dựng ngôi chùa này, lấy tên Ba La Mật, có nghĩa là “đến bờ bên kia”, nên theo đó mà gió êm sóng lặng, bước lên bờ giác vậy. Hay lắm thay! Hay Lắm thay! Thật sâu sắc mầu nhiệm biết bao!

Năm Giáp Ngọ (1894), ngài thụ Bồ Tát giới,(14) đắc pháp với hòa thượng bổn sư. Ngài thường trùng tu chùa Thiên Hưng làm nơi dừng chân nghỉ ngơi khi vân du. Ngài đi bộ vào vùng núi tỉnh Quảng Ngãi thăm hòa thượng Mộc Y, lặn lội đến khắp các ngôi chùa trong núi mà chẳng mang theo hành trang, nếm trải bao gian khổ. Kể từ lúc bỏ quan tu thiền trở về sau, ngài không hề để lại dấu chân nơi cửa nhà, thành thị, dù chỉ một lần. Năm Canh Tý, Thành Thái thứ 12 (1900), ngài viên tịch, 67 tuổi đạo, tháp mộ tại sườn đông núi Ngự Bình. Ngài dặn dò các việc: chọn một vị sư sung làm tự trưởng trong chùa, đời đời nối nhau lo việc hương khói; phía sau chùa dùng làm từ đường thờ thân phụ và thân mẫu ngài, trích ruộng đất sung vào hai lễ giỗ và chi tiêu hàng năm, đều do tự trưởng nhận và thực hiện. Bọn chúng tôi noi chí nối việc để sự nghiệp ông cha được lâu dài, tiếng nhà được rạng rỡ, kính tuân theo, chọn lập môn đệ của sư là Trừng Thông hiệu Viên Thành (xem tiếp mặt sau bia)(15) thiền sư làm tự trưởng. Năm Bảo Đại thứ 8 (1933), Viên Thành lên ở Tra Am, tiếp tục lập Trí Hiển.(16) Năm thứ 9 (1934), vợ của Nguyễn Khoa Tân làm hội chủ, anh em và các cháu ủng hộ, trùng tu nhà chùa, làm thêm nhà thiền. Năm nay (1937), Trí Hiển dời lên ở chùa Mật Sơn (tức Tra Am cũ), lập tiếp Trí Thủ.(17) Về sau cứ thế mà truyền lại mãi mãi. Lại tuân lời dặn, sau chùa, ở cửa bên phải gian giữa, kính thờ hai vị thân phụ và thân mẫu của ngài, cùng trích để lại ruộng đất và lần lượt mua thêm ruộng để sung vào việc chi tiêu của nhà chùa, kể sau đây:

Bia khắc tiểu sử Viên Giác đại sư dựng trong khuôn viên chùa Ba La Mật.

  1. Đất nhà chùa tám sào hai thước tám tấc, do đời trước để lại, Nguyễn Khoa Vỹ giữ văn khế, tự trưởng giữ trích lục.(18)
  2. Ruộng Hàm Phương và Vỹ Dã(19) cộng một mẫu tám sào tám thước bảy tấc, do thân phụ để lại, phủ đường cấp giấy chứng nhận đặt làm ruộng hương hỏa nhà chùa, văn khế, giấy chứng nhận và trích lục đều do tự trưởng giữ.
  3.  Ruộng xã Tây Hồ một mẫu hai sào, cùng với ruộng thờ của ngài Tri phủ An Nhơn(20) chung văn khế, nguyên do ngài An Nhơn để lại, sau ngoài phần trích làm ruộng thờ chung, còn bao nhiêu chia đều làm bốn phần, mỗi phần bốn sào, chia làm bốn phần ruộng tư cho bốn chi của ngài An Nhơn, lần lượt Nguyễn Khoa Tân mua thêm một phần bốn sào của người em Nguyễn Khoa Ngô, hợp với phần ruộng riêng bốn sào của chi thân phụ ta, theo khế cũ cộng thành ruộng một mẫu hai sào. Văn khế và trích lục cũ do Nguyễn Khoa Vỹ giữ, giấy chứng nhận của phủ (cho sung làm ruộng hương hỏa nhà chùa) do tự trưởng giữ.
  4. Ruộng xứ Cồn Dương chín sào chín thước sáu tấc là ruộng hương hỏa nhà chùa, văn khế và trích lục cũ do tự trưởng giữ.
  5. Ruộng xứ An Trạch Tây tám sào, có đủ giấy chứng nhận của phủ đường lập thành ruộng hương hỏa nhà chùa. Văn khế, giấy chứng nhận và trích lục đều do tự trưởng giữ.

Trên đây đã kê đất nhà ở tám sào hai thước tám tấc, ruộng bốn mẫu tám sào ba thước ba tấc, cộng thành ruộng đất năm mẫu sáu sào sáu thước một tấc, giao cho những ai sung làm tự trưởng chùa Ba La Mật, hàng năm cày cấy trồng trọt và cho vay, lấy tiền chi tiêu, nhưng không được cầm, bán hoặc cho vay dài hạn (từ hai đến ba năm). Những điều ấy là vâng theo ý người trước và lời dặn (của thân phụ) mà làm, không ai được mượn cớ gì mà tranh giành sinh chuyện. Về sau, nếu có cúng hay mua thêm đất ruộng hương hỏa, cứ thế mà làm. Đến tháng mùa hè năm Quý Mùi, Phật lịch 2506 (1943), trú trì(21) Thích Trí Thủ làm một cuộc sửa sang xây dựng lớn, [ngôi chùa] đổi mới hẳn.

Ngày 15 tháng Chín năm Bảo Đại thứ 12 [15/10/1937].

Nguyễn Khoa Đạm, Nguyễn Khoa Tân, Nguyễn Khoa ĐồngNguyễn Khoa Trạch dựng bia.(22) Ngũ Phong soạn bài văn. Đoan Phương viết chữ khải.(23)

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (142) . 2017


CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Khoa Minh (1778-1837) năm Gia Long 3 (1804) được bổ chức Hàn Lâm Viện Thị thư, rồi Thiêm sự Bộ Hộ; năm Gia Long 14 (1815), ông làm Ký lục dinh Quảng Đức (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế); năm Gia Long 15 (1816) thăng Công Bộ Tham tri; năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông được đổi bổ Hữu Tham tri Bộ Binh, sung công việc toản tu thực lục ở Quốc Sử Quán. Năm Minh Mạng 6 (1825), sung chức Đổng lý Thanh tra Bộ Hộ; ông đóng góp nhiều trong việc triều chính, đưa ra nhiều phương sách về quân sự như đề nghị lập nhà Giáo Dưỡng để nuôi dạy con các quan võ, đào tạo nhân tài cho đất nước; sau đó, làm Thượng thư Bộ Hình kiêm Bộ Binh, nhưng vì bản tính hiền hậu, ông xin từ chức Bộ Binh. Nhân xét án tên cường hào Phạm Thế Điển đáng tội chém, ông bất nhẫn chỉ xử tội đày, có người dèm pha nên bị giáng Tu soạn Viện Hàn Lâm sung Hành tẩu phòng Văn thư, ít lâu sau khởi phục Thiêm sự Phủ Nội Vụ. Ông thường đàm đạo văn thơ với vua, vua phục tài, gia hàm Thị lang, bổ ra Hộ tào ở Hà Nội; năm 1827, được triệu về, lấy nguyên hàm làm biện lý công việc Bộ Hộ kiêm Phủ Nội Vụ; năm sau được bổ Hữu Tham tri Bộ Hộ, chuyển vào Nam Kỳ làm Hộ tào kiêm Công tào Gia Định. Ông dâng sớ điều trần xin miễn tội cho những người liên quan đến vụ án Lê Văn Khôi để yên lòng dân; lại xin đặt ngạch lính có luyện tập chiến đấu để giữ gìn trị an, đều được vua nghe theo, rồi năm 1829 mới về kinh, lần lượt làm Thượng thư năm bộ trong bốn năm, lại thăng Hiệp biện Đại học sĩ sung Cơ Mật Viện đại thần kiêm lĩnh Hàn Lâm Viện, Khâm Thiên Giám, gia hàm Thái tử Thiếu bảo (1835). Vì có bệnh, năm 1836, ông xin về nghỉ hưu. Ông làm đình, làm chợ làng An Cựu, xin đất Đại Càn, Thổ Lư và Bạch Giá cho làng. Ông mất ngày 21 tháng Tám năm Đinh Hợi (7/10/1837). Vua ban bốn cây gấm, mười cây lụa, mười cây vải, năm chục cân sáp vàng, năm trăm cân dầu phụng và tám quan tiền để lo việc tang, lại làm lễ quốc tế để tỏ tình trân trọng đối với đại thần, tặng Tham chính, tước Hiến Chương hầu, sau truy tặng Đặc tiến Trụ quốc Kim tử Vinh lộc Đại phu.

(2) Nguyễn Khoa Học (1811-1876) húy Tố, hiệu Thành Trai, biệt hiệu Văn Tử, sinh ngày 22 tháng Hai năm Tân Mùi, Gia Long 10 (16/3/1811), con thứ sáu của Nguyễn Khoa Minh, thủa bé chăm học, nhưng không thi cử gì, đến năm 1834 thời Minh Mạng được bổ vào làm thuộc chức tại Hàn Lâm Viện; năm 1845 thời Thiệu Trị, làm thuộc chức tại Cơ Mật Viện. Năm 1848, ông xin nghỉ để phụng dưỡng mẹ già; sau khi mẹ qua đời, ông được đổi ra Hà Nội làm thuộc chức cấp huyện, đổi thăng Tri phủ phủ An Nhơn (Bình Định), ít lâu sau lại về triều sung thuộc chức Cơ Mật Viện như cũ. Ông mất ngày 15 tháng Bảy năm Bính Tý, Tự Đức 29 (2/9/1876), về sau được tặng Thái Bộc tự khanh. Trong gia phả có chép lại mười bài thơ bát cú chữ Hán ông viết gửi cho con Nguyễn Khoa Luận và một bài văn tự thuật.

(3) Bà húy Tôn Nữ Thị Tư, con của công tử Tỉnh Cơ, cháu của Định Viễn quận vương Nguyễn Phúc Bính (con vua Gia Long), sinh ngày 16 tháng Chạp năm Kỷ Hợi, Minh Mạng 20 (20/1/1839), mất ngày 27 tháng Chín năm Kỷ Hợi, Thành Thái 11 (31/10/1899), hiệu Thanh Trất, pháp danh Từ Thiện.

(4) Phạm Quỳnh, “Mười ngày ở Huế”, Nam phong tạp chí, số 10, 1918.

(5) Theo Hà Xuân Liêm, sư Viên Thành ra đi “vì có sự bất bình, mấy vị quý nam tử của đại sư Viên Giác đã không muốn Viên Thành Thượng Nhân làm trú trì chùa Ba La Mật nữa. Thượng Nhân bèn thôi, đem đệ tử lên khai lập chùa Tra Am ở Ngũ Phong sơn và giao chùa Ba La Mật lại cho gia tộc Nguyễn Khoa. Chỉ một thời gian ngắn, bà con trong tộc Nguyễn Khoa thấy không cáng đáng được công việc của nhà chùa, bèn lên Tra Am thỉnh Thượng Nhân về trú trì lại. Thượng Nhân đã cho sư Trí Hiển, vốn là con nuôi dòng Nguyễn Khoa, về thay Thượng Nhân làm tự trưởng chùa Ba La Mật trong giai đoạn này” (Hà Xuân Liêm, Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, tr. 419). Về sư Thích Trí Hiển, xin xem lời chú ở bài văn bia.

(6) Ba La Mật là từ phiên âm tiếng Phạn Paramita (Ba-la-mật-đa), nên chữ Hán “Ba” có thể viết khác nhau (巴 hoặc 波). Người Trung Quốc cổ dịch nghĩa là “救竟到彼岸 cứu cánh đáo bỉ ngạn”, ý nói hạnh của Bồ Tát lớn nhất là giáo hóa, giúp chúng sinh giác ngộ, thoát khỏi bể khổ “đến bờ bên kia” (cõi cực lạc), tức giải thoát.

(7) Bài viết của ông Vũ Đĩnh được sao chép vào gia phả sau phần phả ký, nhan đề Thanh Hóa Bố chánh sứ tự Đàm Trai đạo hiệu Viên Giác đại sư Nguyễn Khoa công truyện. Tác giả xưng là “đồng chí và đồng sự” với Nguyễn Khoa Luận, người xã Thạch Bình, huyện Quảng Điền (nay thuộc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), tên Vũ Đĩnh, hiệu Mai Đình, hành trạng không rõ, về hưu với hàm Quang Lộc tự khanh.

(8) Trong nguyên văn chữ Hán vốn đã có chú thêm năm Dương lịch bằng chữ số Ả Rập, nhưng chúng tôi xin lược cho tiện, đây xin khôi phục lại.

(9) Trong khoảng thời gian 1862-1883, hành trạng ông như sau: Năm 1865, do Hà Ninh Tổng đốc Trần Đình Túc đề cử, ông được bổ chức Kiểm thảo ở Bộ Lại; năm 1867 thăng hàm Biên tu lãnh Chủ sự cũng ở Bộ Lại; năm 1868, đổi ra làm Tri phủ Thọ Xuân, thăng thụ hàm Tri huyện; năm 1871, về quê dưỡng bệnh mấy tháng rồi được lấy nguyên hàm làm Viên ngoại lang ở Đại Lý Tự; năm 1874, đổi bổ Lang trung Bộ Binh; năm 1875, được điều ra giữ chức Án sát tỉnh Thanh Hóa; năm 1876, cha mất, xin về chịu tang; mãn tang, năm 1877, cải bổ Hồng Lô tự khanh, Biện lý Bộ Công, kiêm quản ấn triện Đại Lý Tự; năm 1878, đổi sang Biện lý Bộ Lại rồi ra Quảng Bình làm Án sát sứ; năm 1882, lãnh Bố chánh sứ tỉnh Quảng Ngãi; năm 1883 lại về làm thự Thị lang Bộ Binh kiêm giữ ấn triện Đại Lý Tự. Vua Tự Đức băng, ông được cử sung Đổng lý lễ tang, rồi được thực thụ Thị lang; mắc tội đội nón vào Khiêm Cung (lăng vua Tự Đức), bị giáng hai cấp, đổi Hồng Lô tự khanh, Biện lý Bộ Binh, rồi ra làm Sơn phòng chánh sứ ở Quảng Bình, cuối năm được thăng Bố chánh sứ Thanh Hóa.

(10) Bấy giờ, thực dân Pháp đang tiến hành cuộc xâm lược từ Nam ra Bắc, nên ông cho rằng thần ban hai chữ “vô sinh” là có ý khuyên mình nên giữ thành đến cùng; do đó, ông tổ chức bố phòng và đốc thúc toàn tỉnh chỉnh túc khí giới, quân đội, sẵn sàng chống giặc. Có người trong số quan lại thấy thế, chê ông là không “thức thời”, “thức thời” đối với họ có nghĩa là cứ buông xuôi, để mặc, được chăng hay chớ, cốt bảo toàn được địa vị, bổng lộc!

(11) Chỉ sự kiện Tôn Thất Thuyết đánh Pháp, rồi kinh thành thất thủ (tháng 7/1885), vua Hàm Nghi phải bỏ cung điện chạy ra Quảng Trị, vượt đường núi ra Hà Tĩnh, lập chiến khu và ban chiếu Cần vương.

(12) Chỉ việc Pháp và triều đình Huế lập vua mới là Đồng Khánh để ổn định tình hình.

(13) Ông kể lại giấc mộng và nhờ sư giải đoán. Sư nói: “Đạo Nho chủ trương sinh sinh, đạo Lão đề cao trường sinh, chỉ có đạo Phật nói đến vô sinh. Chắc đấng linh thiêng muốn độ nhà thầy qua vòng tục lụy bằng cách chỉ cho con đường vô sinh vô diệt của Như Lai” (Nguyễn Văn Thoa (1975), Tra Am và sư Viên Thành, Môn đồ Ba La Mật và Tra Am ấn hành, tr. 344).

(14) Bồ Tát giới: bậc cao nhất mà một đệ tử được thụ giới với bổn sư. Theo trình tự, người mới vào chùa chỉ được làm việc vặt, học giới luật, gọi là sa di, ta thường gọi là chú điệu, sau đó, tùy theo trình độ thông hiểu Phật pháp, lần lượt được cho thụ ba giới: Tỳ Kheo giới (tỳ kheo còn gọi là bật sô, tiếng Phạn bhiksu, chỉ người tu hành đã thụ giới luật; nam gọi là tỳ kheo hay tỳ kheo tăng, nữ thì gọi là tỳ kheo ni), Cụ Túc giới (tiếng Phạn upasampadà, người tu hành đã thụ được số giới luật cần thiết, nam 250 giới, nữ 500 giới) và Bồ Tát giới (người tu hành đã hoàn tất giới luật quy định, theo kinh Phạm võng thì có 10 trọng cấm và 48 khinh giới, theo kinh Du già thì có 250 giới như Cụ Túc giới của Tiểu thừa). Một đệ tử được thầy công nhận trình độ tu hành qua một cuộc lễ gọi là lễ truyền giới, nhà chùa đắp một vuông đất cao ở chỗ tinh nghiêm, thiết trì bàn thờ Phật để hành lễ, gọi là giới đàn (tiếng Phạn mandarava, dịch âm mạn đà la); nếu nhiều chùa cùng làm chung thì gọi là đại giới đàn. Một đại giới đàn do “tam sư” làm chủ: Đường đầu (hay Đàn đầu) hòa thượng (upadhyana) là bổn sư của người thụ giới, tức giới tử; Yết ma hay Kiết ma (karmadana) phụ trách về pháp và sự (sắp xếp, tổ chức cuộc lễ) và A đồ lê hay A xà lê (acarya) tức giáo thụ, lo việc dạy dỗ, hướng dẫn giới tử. Hàng cư sĩ chỉ được thụ giới Tỳ Kheo. Phật giáo Trung Quốc bắt đầu có giới đàn vào thời Tam Quốc ở nước Ngụy (Tào), tại thành Lạc Dương. Ở Việt Nam, giới đàn lớn nhất do chúa Nguyễn Phúc Chu tổ chức tại chùa Thiền Lâm ở thủ phủ Phú Xuân của xứ Đàng Trong, do nhà sư Thạch Liêm Thích Đại Sán người Trung Quốc làm Đường đầu hòa thượng, diễn ra cuối năm 1694.

(15) Từ đây trở lên là phần khắc ở mặt trước bia, từ đây trở xuống là văn khắc mặt sau bia.

(16) Trí Hiển, không rõ thế danh, người gốc Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, mồ côi cha, mẹ tái giá; ông Nguyễn Khoa Sâm làm quan tại đó, nhận làm con nuôi, cho ăn học tử tế. Ông Sâm về Vỹ Dã, đem theo cho ở nhà cạnh chùa Ba La Mật. Sư đồng chân nhập đạo với Viên Thành, được thầy cho pháp danh Tâm Đăng, hiệu Trí Hiển. Sư giỏi thơ văn, hiểu sâu giáo lý, được bổn sư chọn làm pháp trưởng tử, rồi phái về làm tự trưởng chùa Ba La Mật. Khi Viên Thành tịch, sư phải trở về Tra Am làm giám tự, chỉ trú trì Ba La Mật trên danh nghĩa, thực chất trao chùa lại cho họ Nguyễn Khoa chăm sóc. Năm 1940, sư viên tịch.

(17) Trí Thủ, thế danh Nguyễn Văn Kính, người xã Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (nay thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), sinh ngày 19 tháng Chín năm Kỷ Dậu (1/11/1909). Năm 14 tuổi, sư được cha mẹ cho vào chùa Hải Đức học kinh; năm 17 tuổi, xuất gia tại chùa Tra Am, thụ giáo với sư Viên Thành; năm 1919 thụ giới Tỳ Kheo, pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, hiệu Trí Thủ. Từ năm 1932, sư tham gia đào tạo tăng tài, từng đảm trách các chức vụ quan trọng trong hội Phật giáo trung ương và địa phương. Từ năm 1963, sư tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ đạo pháp và dân tộc, chống chính sách kỳ thị và đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, bị bắt giam một thời gian. Trong thời gian này, sư không ở tại chùa Ba La Mật mà ở nhiều nơi theo từng Phật sự, như năm 1944, sáng lập Đại học đường tại chùa Linh Quang thì sư ở chùa Linh Quang; năm 1947 làm Giám đốc Phật học đường Báo Quốc thì sư lưu lại chùa Báo Quốc, năm 1956 làm Giám đốc Phật học viện Trung Phần thì sư an trú tại Nha Trang... Đến năm 1960, sư vào Gia Định, khai lập tu viện Quảng Hương Già Lam thì sư giao hẳn chức trú trì Ba La Mật cho thượng tọa Đức Trì. Sư viên tịch ngày 2/4/1984 tại chùa Quảng Hương Già Lam (Thành phố Hồ Chí Minh).

(18) Văn khế là giấy tờ mua bán ruộng đất, nhà cửa hay vay mượn tiền bạc, do hai bên thỏa thuận với nhau; trích lục là giấy tờ công nhận quyền sở hữu ruộng đất, nhà cửa do nhà nước cấp.

(19) Nguyên là Vỹ Dã hay Vy Dã, nhưng âm địa phương đọc thành Vỹ Dạ, rồi Quốc ngữ cũng viết Vỹ Giạ, lâu dần người ta quên âm gốc, mà nhà nước cũng công nhận âm sai ấy.

(20) Ngài Tri phủ An Nhơn: tức Nguyễn Khoa Học, thân phụ của Viên Giác đại sư.

(21) Trú trì: Trú hay trụ là ở, trì là giữ, do câu “trú Như Lai xứ, trì Như Lai sự” (ở chỗ Như Lai, làm việc Như Lai”, ý nói người thay đức Phật mà tu tập, giữ gìn chánh pháp. Vị trú trì của một ngôi chùa là vị sư có cấp bậc tu hành cao nhất coi sóc ngôi chùa, điều hành công việc, lãnh đạo đội ngũ chúng tăng cùng sinh hoạt trong ngôi chùa đó. Trong văn bia chùa Huế, ta còn thấy các từ tự trưởng, tọa chủ, thủ tọa (riêng ở chùa công thì có tăng cang, do triều đình nhà Nguyễn phong).

(22) Bốn người này là con của Viên Giác đại sư.

(23) Không rõ hành trạng người soạn và người viết này.